3 lợi ích từ việc ứng dụng hóa đơn điện tử

 10:16 SA @ Thứ Tư - 03 Tháng Giêng, 2018

Từ ngày 1/1/2018, Petrolimex sẽ phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT). Ngoài những ưu điểm thuận lợi, an toàn HĐĐT còn góp phần ngăn chặn những hành vi trục lợi bất chính.


Petrolimex chính thức ra mắt dịch vụ hoá đơn đơn điện tử mua xăng dầu

Lộ trình HĐĐT tại Petrolimex được thực hiện theo 3 giai đoạn: Từ 1/01/2018 áp dụng tại Công ty Mẹ Tập đoàn và Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình; từ 1/02/2018 áp dụng tại Công ty Xăng dầu B12 và Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ và từ 1/4/2018, áp dụng trong toàn hệ thống Petrolimex.

Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc PLX, HĐĐT có 2 ưu điểm nổi bật:

- Thuận tiện: Khách hàng dễ dàng nhận hóa đơn điện tử qua địa chỉ email hoặc truy cập vào trang web của Petrolimex http://hoadon.petrolimex.com.vn

- An toàn: Hóa đơn được lưu trữ dưới dạng file dữ liệu điện tử trên hệ thống server của Petrolimex trong 10 năm; an toàn trước các nguy cơ mất, hỏng, rách hóa đơn, đặc biệt trong quá trình vận chuyển xăng dầu trên đường nhiều khi kéo dài tới 1-2 ngày.

Đối với Petrolimex, với lượng xăng dầu bán ra khoảng trên 12 triệu m3 mỗi năm, sẽ phải tự in gần 20 triệu tờ hóa đơn giấy. HĐĐT tiết kiệm đáng kể chi phí in phôi, chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì máy in, chi phí gửi hóa đơn cho khách hàng, và nhất là chi phí xây kho để lưu giữ, bảo quản.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, điểm cộng lớn nhất của HĐĐT là ngăn chặn được những hành vi trục lợi bất chính. Với HĐĐT lưu trữ trên server của Petrolimex , chủ doanh nghiệp (là khách hàng mua xăng dầu) có thể biết lái xe của mình có mua xăng không? Số lượng thực tế bao nhiêu? Mua ở đâu? Thời gian nào?... Việc mua khống, khai khống số lượng không thể thực hiện được.

Việc triển khai hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu được kỳ vọng sẽ minh bạch hoá hoạt động kinh doanh, ngăn chặn việc kinh doanh xăng dầu lậu ngoài luồng của một số doanh nghiệp làm ăn gian dối, từ đó giúp chống thất thu thuế cho nhà nước.

Trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thì bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu chỉ là một phương thức bán hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung ứng còn có phương thức bán trực tiếp tại kho cho các khách mua buôn; hay cho các tổ chức thương mại trung gian như thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhượng quyền.

Ví dụ như ở Petrolimex, phương thức bán lẻ xăng dầu chiếm 60% và các phương thức khác chiếm khoảng 40%.Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất để chống buôn lậu xăng dầu là cơ quan quản lý phải giám sát được toàn bộ giao dịch mua vào, xuất ra của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không chỉ qua cột bơm mà qua cả các phương tiện đo lường khác .

Việc giám sát này sẽ thực hiện được khi có sự kết nối tự động tất cả các thông tin mua vào, bán ra của doanh nghiệp hay nói cách khác đó là việc ứng dụng tự động hóa để khi nhận tất cả các thông tin của từng giao dịch từ phương tiện đo lường, bể chứa vào hệ thống thông tin quản trị doanh nghiệp thông qua một giải pháp phần mềm nào đó và được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan hay cơ quan thuế.

Triển khai HĐĐT yêu cầu phải kết nối thông tin cột bơm và các họng xuất xăng dầu nên có thể nói rằng, chúng cũng có chức năng chống gian lận thương mại.

Petrolimex đã đó nhiều nỗ lực, cố gắng đưa hệ thống HĐĐT của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đi vào hoạt động góp phần minh bạch công tác quản trị, quan hệ khách hàng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của Petrolimex trong thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính và Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

(Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn- Tổng cục Thuế)

Nguồn:  Nguyễn Văn
Tạp chí Công Thương