“Huyết mạch” xăng dầu nơi đại ngàn - kỳ 1

 09:07 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Tư, 2013

Cửa hàng xăng dầu trong vùng nhiều cà phê nhất để phục vụ nông dân tưới tiêu

Tây Nguyên- vùng đất có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, “vựa” cà phê lớn nhất cả nước luôn có nhu cầu năng lượng cao, đặc biệt là xăng dầu. Với vai trò chủ đạo, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên và Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên luôn chủ động nguồn cung, không để đứt “mạch máu” năng lượng trên địa bàn…

CôngThương- Kỳ 1: “Ngọn lửa đỏ” trên cao nguyên

Vai trò chủ đạo

Với thị phần gần 2/3, hai doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã khẳng định vị trí đầu tầu bảo đảm nguồn xăng dầu tại Tây Nguyên; luôn cung ứng đủ hàng trong thời điểm khó khăn nhất. Ông Phạm Đình Nguyên- Phó giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên - nhớ lại: Tháng 2/2011, “cơn sốt” xăng dầu trong vùng lên đến đỉnh điểm. Nhiều cửa hàng xăng dầu không bán hàng hoặc bán hàng nhỏ giọt. Có thời điểm, người tiêu dùng phải đi đến 60km mới mua được xăng dầu về sử dụng. Nhận định thị trường có nguy cơ “vỡ” rất lớn do người dân hoang mang trước việc hết hàng nên mua càng nhiều để tích trữ, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên phải “căng mình ra” cung ứng đến 90% nhu cầu xăng dầu để bà con chống hạn cho cây cà phê.

Điều này đã được ông Võ Thanh- Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lăk khẳng định: Một số thời điểm có tin đồn tăng giá xăng dầu thì trên địa bàn tỉnh, tình hình thị trường cơ bản ổn định là bởi Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Khi nhu cầu tăng vọt Công ty vẫn có thể huy động được đủ nguồn hàng đáp ứng cho nhu cầu trên địa bàn.

Cửa hàng xăng dầu nằm giữa vùng cà phê phục vụ tưới tiêu

Khu vực Bắc Tây Nguyên gồm 2 tỉnh: Gia Lai và Kom Tum, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên với thị phần 65% được các doanh nghiệp, người tiêu dùng đánh giá cao về thái độ phục vụ. Ông Võ Huy Trí - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên - chia sẻ với chúng tôi: Trong nhiều thời điểm kinh doanh bất thường (lỗ, khan hiếm nguồn, nhu cầu tăng vọt), công ty vừa đảm bảo vai trò bình ổn thị trường vừa tìm biện pháp kiềm chế lượng xăng dầu bán cho những đối tượng đầu cơ trục lợi.

Đặc biệt, hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu mà công ty đang thực hiện đã giúp thị trường lành mạnh hơn và trở thành một trong những hoạt động kinh doanh chủ đạo. Trước đây, trên địa bàn Đăk Lăk có đơn vị làm tạm nhập tái xuất xăng dầu nhưng lợi dụng việc này để đưa hàng quay trở lại tiêu thụ nội địa, gây bất ổn trong kinh doanh xăng dầu, cạnh tranh không lành mạnh. Nhằm hạn chế hiện tượng này trên địa bàn, công ty đã mạnh dạn triển khai phương thức kinh doanh này (TN-TX). Ban đầu, công ty chỉ bán được hơn 1.000 m3/năm, lợi nhuận còn thấp. Việc kinh doanh xăng dầu tạm nhập tái xuất chỉ đem lại hiệu quả cao kể từ khi Quốc lộ 78- nối cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đến thị xã Ban Lung (Vương quốc Campuchia) khánh thành. Năm 2012, qua phương thức tạm nhập tái xuất Công ty đã bán được 40.000 m3 xăng dầu qua nước bạn. Dự kiến năm 2013 sẽ là 50.000 m3.

Kho xăng dầu Bắc Tây Nguyên phục vụ hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai

Với đặc điểm địa lý vùng, việc xây dựng mạng lưới xăng dầu phủ khắp địa bàn Tây Nguyên rộng lớn luôn khiến lãnh đạo, CBCNV 2 công ty xăng dầu Petrolimex trên Tây Nguyên nhiều trăn trở. Tại khu vực Nam Tây Nguyên, sau “cơn sốt” xăng dầu năm 2011, lãnh đạo công ty xác định việc mở rộng mạng lưới nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là hết sức quan trọng, tránh việc để một số cửa hàng lợi dụng việc khan hàng tăng giá, ép giá. Ông Phạm Đình Nguyên cho biết, đến nay công ty có 58 cửa hàng xăng dầu (21 cửa hàng ở Đắc Nông, 37 tại Đắk Lắk). UBND tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuân lợi cho phép Công ty mở thêm 9 điểm bán xăng dầu (đến nay đã hoàn thành 6 điểm). Trong đó, có điểm mang ý nghĩa chiến lược như tại Xã Pơng Đrang - huyện Krông Búk. Như vậy, mạng lưới cửa hàng – mạch máu xăng dầu Petrolimex đã đến tận buôn làng, đáp ứng nhu cầu của bà con trên cả vùng rộng khắp của đại ngàn Tây Nguyên.

Giải hạn cho cây cà phê

Tây Nguyên trong những ngày mùa khô đang gồng mình chống hạn. Cây cà phê - cây công nghiệp chủ lực của vùng cũng nằm chung cảnh ngộ. Tìm nước đã khó nhưng có nguồn, xăng dầu lại là nhiên liệu chủ lực, tiếp sức cho những chiếc máy bơm dã chiến, đem sức sống đến cho vùng…

Hiện nay, diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đã lên đến trên 550.000 ha. Trong đó, Đắk Lắk có diện tích cà phê nhiều nhất, trên 200.000 ha; tiếp đó Lâm Đồng với hơn 146.000 ha; Đắk Nông 115.000 ha. Còn lại là diện tích cà phê của các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum.

Tại Tây Nguyên, nước là sự sống còn của cây cà phê nhưng luôn khan hiếm từ tháng 12 năm trước đến đầu tháng 4 năm sau. Đơn cử, tại Đắk Lắk, nguồn nuớc chỉ đáp ứng cho khoảng 70% diện tích. Thậm chí, vùng có diện tích cà phê lớn như: Đắk Song, Tuy Đức, Chư Jút... các công trình thủy lợi mới đáp ứng tưới cho khoảng 20.000 ha cà phê. Hơn 56.000 ha cà phê còn lại, người dân đang gồng mình chống hạn, lấy nước bằng các biện pháp thủ công. Tại Gia Lai, Kon Tum, tình hình cũng không khả quan hơn là bao…

Vườn cà phê héo úa do hạn hán

Cửa hàng xăng dầu nằm giữa vùng cà phê phục vụ tưới tiêu

Để giúp người dân địa phương giảm bớt thiệt hại do hạn, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động, linh hoạt chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nạo vét kênh mương thủy lợi, đưa nước về tưới cho cây trồng. Tại tỉnh Kon Tum, để cứu cây trồng, vật nuôi trước tình hình khô hạn còn có thể kéo dài, các địa phương đã sử dụng khoảng 16 tỷ đồng mua máy bơm, thuê nhân công giúp người dân chống hạn. Đối với những khu vực hạn nặng, như cánh đồng xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum); xã Đăk La, Hà Mòn (Đăk Hà); các huyện: Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Đăk Glei… đã huy động nhân dân đắp đập tạm ngăn suối lấy nước, đào ao hồ, thực hiện giải pháp bơm chuyền đưa nước tới đồng ruộng.

Thế nhưng, để nước đến được gốc cây cà phê đang khát nước thì xăng dầu giữ vai trò là nhiên liệu chủ lực. Nguyên nhân do bà con dùng điện chạy máy bơm chỉ chiếm khoảng 20%, 80% còn lại là dùng xăng dầu. (Còn nữa)

Kỳ 2- Trong sạch thị trường từ chính sách

Nguồn:  Nguyễn Hải - Thanh Hương  -  Báo Công Thương
Báo Công Thương điện tử